Thành phố Bảo Lộc ngày nay (tên gọi cũ là B’Lao) là một trong hai trung tâm lớn của tỉnh Lâm Đồng nằm trên cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc, ở độ cao 800 – 1.000m; phía bắc, đông, nam giáp huyện Bảo Lâm; phía tây và tây nam giáp huyện Đạ Huoai.

Với diện tích tự nhiên 232,4km2, Bảo Lộc có 11 đơn vị hành chính gồm 6 phường (phường B’Lao, phường 1, phường 2, Lộc Phát, Lộc Tiến, Lộc Sơn) và 5 xã (Lộc Nga, Lộc Châu, Đam Bri, Lộc Thanh, Đại Lào).

Bảo Lộc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, công nghiệp xếp vào vị trí thứ hai của tỉnh Lâm Đồng sau thành phố Đà Lạt.

Năm 1958, Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng cũ, một vùng rộng lớn của tỉnh Đồng Nai Thượng ngày xưa, bao gồm cả huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và huyện Bảo Lâm mới được tách ra và thành lập sau này. Vùng Bảo Lộc xưa là nơi sinh sống chủ yếu của người Mạ.

Bảo Lộc đã được người Pháp đặt vấn đề khai thác khá sớm cùng một lúc với việc xây dựng đô thị Đà Lạt.

Năm 1899, một phái đoàn người Pháp do ông Ernest Outrey chỉ huy mở một cuộc thám hiểm tìm hiểu khả năng vùng Đồng Nai Thượng và vạch một con đường nối liền vùng này với Bình Thuận.

Ngày 1-11-1899, Toàn quyền Paul Doumer ký Quyết định thành lập tỉnh Đồng Nai Thượng, đặt tỉnh lỵ tại Djiring. Năm 1905, tỉnh Đồng Nai Thượng bị bãi bỏ, sáp nhập vào tỉnh Bình Thuận.

Năm 1920, tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập, gồm có 3 quận: B’Lao (Bảo Lộc), Djiring (Di Linh) và Dran – Fyan (Đơn Dương).

Ngày 19-5-1958, chính quyền Ngô Đình Diệm đổi tên tỉnh Đồng Nai Thượng là Lâm Đồng và sau đó tách quận Dran ra khỏi tỉnh Lâm Đồng, sáp nhập vào tỉnh Tuyên Đức. Tỉnh Lâm Đồng chỉ còn lại 2 quận: Bảo Lộc và Di Linh. Ngày 30-11-1958, Bảo Lộc được chọn làm tỉnh lỵ của tỉnh Lâm Đồng và công việc kiến thiết mở mang đô thị mới cũng bắt đầu phát triển mạnh từ thời gian này.

 Sau ngày thống nhất đất nước, huyện Bảo Lộc lần lượt tách thành các huyện Bảo Lộc, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Ngày 11-7-1994, Chính phủ quyết định chia huyện Bảo Lộc thành 2 đơn vị hành chính là thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm.

*

Bảo Lộc nằm ở độ cao 900m, quanh năm mát mẻ, không lạnh lắm cũng không nóng lắm, nhiệt độ trung bình 22 – 24oC.

Bảo Lộc có lượng mưa khá lớn (2.762mm), không có tháng nào không có mưa. Biên độ nhiệt giữa tháng mưa và tháng nắng là 3 – 4oC, biên độ nhiệt giữa ngày và đêm khá lớn, trung bình là 10,3oC.

Sương mù xuất hiện ở Bảo Lộc nhiều nhất tỉnh do độ ẩm cao, trung bình mỗi năm có 85 ngày có sương mù tập trung vào những tháng cuối mùa mưa.

Bảo Lộc có nhiều thắng cảnh như đèo Bảo Lộc, thác Đam Bri, hồ Nam Phương, suối Đá Bàn, núi Đại Bình, suối Tân Thanh,… Bên cạnh các thắng cảnh thiên nhiên đó là những vườn, đồi trà thoai thoải xanh mượt, thỉnh thoảng vươn lên những hàng cây che bóng, phía sau là những ngọn núi cao đã làm cho Bảo Lộc càng thêm xinh đẹp, bao la, trù phú.

Về khoáng sản, Bảo Lộc có than nâu, than bùn, khoáng sản kim loại như quặng bauxit, đá xây dựng, đá ốp lát, sét gạch ngói. Riêng trữ lượng bauxit lớn đứng thứ hai trong cả nước sau huyện Dak Nông (tỉnh Đắc Lắc).

Hệ thống nước mặt của Bảo Lộc khá phong phú nhờ có hệ thống sông La Ngà (Đa R’Nga) và hệ thống suối Đạ Bình là nguồn nước tưới cho nông nghiệp và nước phục vụ cho khu công nghiệp Đại Bình và Đại Lào trong tương lai.

Bảo Lộc có nhiều lợi thế trong việc khai thác nước ngầm vì nguồn nước phong phú, đầu tư ít tốn kém.

Đất của thành phố Bảo Lộc có 4 nhóm gồm 8 loại đất chính, trong đó đất feralit trên bazan chiếm tỉ lệ lớn, rất thuận lợi để trồng cây công nghiệp dài ngày. Thổ nhưỡng có nhiều loại bao gồm: đất dốc tụ, đất phù sa, đất nâu vàng trên bazan, đất nâu đỏ trên bazan, đất nâu vàng trên đaxit và các loại đất khác.

Uỷ ban nhân dân thành phố Bảo Lộc quản lý 1.256ha đất có rừng và 2.000ha đất trống. Trữ lượng gỗ ước tính 180.000m3. Phần lớn diện tích rừng của Bảo Lộc là rừng đặc dụng.

Theo thống kê năm 1999, dân số Bảo Lộc có 135.313 người. Sự hình thành dân số Bảo Lộc chia làm 3 nhóm:

Trong số các dân tộc bản địa, dân tộc Mạ chiếm tỷ lệ cao nhất. Buôn làng người Mạ là tổ chức xã hội  duy nhất có tính xã hội tương đối hoàn chỉnh, tương đối độc lập và tách biệt khép kín về khu vực canh tác, khu vực cư trú. Với thiết chế xã hội chặt chẽ, hiện nay một bộ phận vẫn còn sản xuất theo lối tự nhiên, cuộc sống còn khó khăn.

Người Kinh đến Bảo Lộc trước năm 1975 thường sống tập trung ở các phường Lộc Tiến, Lộc Phát, xã Lộc Châu, Lộc Thanh, Lộc Nga, dọc theo quốc lộ 20, được đầu tư cơ sở hạ tầng khá, tiếp cận sớm với cơ chế thị trường, năng động, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Người Kinh đến Bảo Lộc sau năm 1975 bao gồm nhiều tỉnh thành của cả nước đến lập nghiệp, đã có những đóng góp nhất định về phát triển kinh tế – xã hội, an ninh chính trị, trật tự xã hội. Song do đến ồ ạt, thiếu vốn đầu tư và kết cấu hạ tầng chậm phát triển nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Đây là một cộng đồng dân cư đa dạng, chưa thuần nhất, đa số chưa có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất  hàng hoá.

*

Bảo Lộc nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới biến thiên theo độ cao nên khí hậu ôn hòa, phù hợp với việc phát triển du lịch, nghỉ dưỡng. Khí hậu và đất đai tại Bảo Lộc rất thuận lợi cho việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày.

Bảo Lộc nằm trên luồng giao thông trao đổi hàng hoá giữa các vùng kinh tế trong tỉnh và giữa Lâm Đồng với miền Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long và nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Đó là điều kiện thuận lợi để Bảo Lộc phát triển nhanh kinh tế hàng hoá, tiếp nhận nhanh những tiến bộ khoa học – công nghệ.

Khác với Đà Lạt, Bảo Lộc được khai thác mạnh về nông nghiệp, công nghiệp. Nhiều nông trang, đồn điền đã được các tập đoàn người Pháp lập nên từ những năm 1930 -1940 để trồng chè, cà phê,… Về sau, nhân dân phát triển trồng cây dâu tằm, cây ăn quả.

Cây chè có một lịch sử khá lâu đời tại Bảo Lộc (trên 50 năm) đã khẳng định ưu thế tuyệt đối mặc dù có những bước thăng trầm nhất định do nhiều yếu tố khác nhau. Cho đến nay, cây chè Bảo Lộc vẫn tiếp tục phát triển về diện tích và sản lượng. Năm 1999, Bảo Lộc có 8.743ha chè với sản lượng 45.311 tấn chè búp tươi, trong đó khu vực quốc doanh đã chiếm gần 20% diện tích và 70% công suất chế biến. Ở Bảo Lộc đã hình thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hoá cao, gắn được sản xuất nguyên liệu với công nghiệp chế biến, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong và ngoài nước. Cây chè gần như chiếm vị trí độc quyền ở các tỉnh phía Nam. Thị trường xuất khẩu chè được tiếp tục mở sang các nước Cộng hoà Liên bang Nga, Pháp, châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ, Xin-ga-po, Hồng Công, Đài Loan, Ả Rập,…

Cà phê: Bảo Lộc có 6.144ha cà phê với sản lượng 8.478 tấn cà phê nhân, giữ vị trí thứ 4 sau Di Linh, Lâm Hà và Bảo Lâm. Đây là cây có giá trị xuất khẩu cao, rất thích hợp với điều kiện khí hậu, đất đai của Bảo Lộc.

Cây dâu: Bảo Lộc là địa phương có điều kiện để đưa ngành dâu tằm tơ trở thành ngành kinh tế – kỹ thuật tiên tiến, có quy mô lớn, khép kín từ khâu nuôi tằm đến ươm tơ, dệt lụa. Hiệân nay được sự đầu tư của Trung ương và địa phương, Liên hiệp Dâu tằm tơ Việt Nam là trung tâm thu hút vốn đầu tư kỹ thuật đã hình thành hệ thống công nghiệp cũng như kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh. Những năm gần đây, do thị trường thế giới biến động mạnh, diện tích trồng dâu nuôi tằm ở Bảo Lộc đã giảm sút đáng kể, từ 5.820 tấn lá dâu năm 1995 sụt xuống còn 3.483 tấn  năm 1999.

Cây ăn quả cũng rất thích hợp và đem lại hiệu quả cao nhờ có đặc điểm là cho sản phẩm trái mùa với các tỉnh phía Nam. Đó là sầu riêng, chôm chôm, mít tố nữ, bơ,…

Chăn nuôi gia súc gia cầm ở Bảo Lộc cũng phát triển khá mạnh: 2.496 con bò, 25.951 con heo (năm 1999). Trong tương lai, ngành này sẽ tiếp tục phát triển.

Công nghiệp chế biến chè được hình thành và phát triển trên địa bàn Bảo Lộc từ những năm 30 của thế kỷ XX cùng với sự khám phá và khai thác cao nguyên Di Linh – Bảo Lộc của người Pháp, ngày nay đã trở thành một nền kinh tế quan trọng không chỉ riêng đối với Bảo Lộc mà đối với tỉnh Lâm Đồng và khu vực phía Nam. Các nhà máy chè: 19-5, 1-5, 26-3, 28-3, Hà Giang, Minh Rồng, Chè xanh I và II,… đã nói lên thế mạnh về công nghiệp chế biến chè ở Bảo Lộc. Bên cạnh các nhà máy quốc doanh còn có hàng trăm cơ sở chế biến tư nhân cũng đã hoạt động hết sức sôi động.

Bên cạnh công nghệ chế biến chè, công nghiệp ươm tơ dệt lụa cũng được đầu tư khá mạnh mẽ với Xí nghiệp ươm tơ dệt lụa tự động Tháng 8, Xí nghiệp dệt lụa VIKOTEX, Xí nghiệp chế biến tằm tơ Bảo Lộc, Xí nghiệp dệt VISINTEX, Xí nghiệp Việt Ý, Xí nghiệp dâu tằm tơ Lộc Đức, Xí nghiệp giống cấp II, Xí nghiệp se tơ,…

Công nghiệp chế biến lâm sản, công nghiệp khai khoáng, công nghiệp giấy,… cũng có một bước phát triển.

Ngành dịch vụ du lịch, trong hai năm 1994 và 1995, chiếm tỷ trọng 32-33% GDP và tỷ lệ huy động vào ngân sách đạt 30% so với toàn thị xã. Năm 1995, tổng thu ngành khách sạn ăn uống lên tới 22,8 tỷ, vận tải bưu điện 13 tỷ, thương mại dịch vụ 53 tỷ. Toàn thị xã có 14 khách sạn, nhà nghỉ, nhà trọ.

Ngành bưu chính – viễn thông phát triển mạnh, đạt chỉ tiêu 7 máy/100 dân; tổng đài điện tử EWSD 3.000 số phục vụ thông tin liên lạc trực tiếp trong và ngoài nước.

Ngành phát thanh – truyền hình không ngừng lớn mạnh, toàn thị xã có 1 đài phát thanh – truyền hình và 9 đài truyền thanh ở các xã, phường.

Hệ thống giáo dục mẫu giáo, phổ thông phát triển tốt. Trong năm học 1999 – 2000, toàn thị xã có 38 trường với tổng số 35.868 học sinh. Trường kỹ thuật và dạy nghề Bảo Lộc (trước đây là Trường Nông Lâm Súc được thành lập từ năm 1959) đã có những tác động tích cực cho vùng sản xuất chuyên canh chè, cà phê, dâu tằm của thị xã.

Mạng lưới y tế đã được phát triển tận cơ sở xã phường và từng bước được xã hội hoá.

*

Có được ngày hôm nay, không thể nào quên được cuộc đấu tranh gian khổ của biết bao đồng chí, đồng bào trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ngay tại mảnh đất Bảo Lộc xanh tươi này.

Trước Cách mạng tháng Tám, vùng đất này đã liên tục xảy ra những cuộc đấu tranh chống bọn áp bức bóc lột của lực lượng phu phen, thợ thuyền công nhân của các đồn điền chủ Tây, của đông đảo đồng bào dân tộc trong phong trào Mộ Cộ, A-ma Trang Lơng,…

Sau cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, chính quyền cách mạng đã được thiết lập ngay tại Djiring. Sau một thời gian không lâu, bọn Pháp chiếm lại tỉnh Đồng Nai Thượng, lực lượng cách mạng đã chiến đấu anh dũng ngay tại đèo B’Lao, nhưng sau đó phải rút lui về phía Bình Thuận. Phong trào cách mạng của Đồng Nai Thượng bắt đầu gặp khó khăn.

Tháng 4-1949, Ban cán sự Đảng Cực Nam Trung Bộ và Ban cán sự tỉnh Đồng Nai Thượng được thành lập.

Tháng 2-1950, tại B’Lao, đã thành lập được chính quyền ở một số xã trong vùng đồng bào dân tộc, phát triển được nhiều đảng viên và thành lập Ủy ban kháng chiến huyện.

Ngày 22-2-1951, để phù hợp với tình hình chỉ đạo liên vùng, Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã quyết định hợp nhất 2 tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng thành tỉnh Lâm Đồng. 6 đội công tác vũ trang, tuyên truyền được thành lập, có 2 đội tập trung vào hướng B’Lao và Djiring.

Từ sau năm 1958, các hoạt động cách mạng cũng lại được tăng cường hơn trước và phong trào ngày càng lớn mạnh.

Trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Ban cán sự Đảng Lâm Đồng, nhân dân, cán bộ, bộ đội Bảo Lộc đã đưa phong trào cách mạng lên đỉnh cao cả thế và lực, cả chính trị và quân sự.

Tháng 4-1964, nhân dân Bảo Lộc nổi dậy biểu tình đòi Mỹ cút và lật đổ chế độ Trần Văn Hương.

Ngày 1-3-1968, quân dân Bảo Lộc đồng loạt tấn công các mục tiêu quan trọng của địch trong thị xã.

Ngày 27-3-1975, Quân giải phóng đánh chiếm chi khu Đạ Huoai, đánh đồn Madagouil và sau đó tiến về Bảo Lộc.

Vào lúc 8 giờ sáng ngày 28-3-1975, quân dân thị xã Bảo Lộc đã giải phóng hoàn toàn thị xã, bắt đầu bước sang trang sử mới – thời kỳ xây dựng hòa bình.